BLOG LÀM ĐẸP

Để mụn không còn là nỗi ám ảnh của phái đẹp

Ngày 08-09-2020 Lượt xem 435

Mụn trứng cá là một bệnh da phổ biến hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên. Mụn có thể kéo dài trong nhiều năm và tái diễn lại nhiều lần nếu chúng ta không biết điều trị đúng cách.

Hiện nay, một số bạn đang gặp phải tình trạng hoang mang, lo lắng do điều trị mụn nhưng không khỏi thậm chí ngày càng nặng lên thêm. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn có kiến thức để điều trị mụn đúng cách và có một làn da khỏe đẹp.

1. Dấu hiệu của mụn

Các dấu hiệu và triệu chứng của mụn khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, bao gồm:

  • Mụn đầu trắng (lỗ chân lông đã đóng).
  • Mụn đầu đen (lỗ chân lông mở).
  • Những vết sưng nhỏ, đỏ.
  • Mụn nhọt (mụn mủ), đó là những sẩn có mủ ở đầu.
  • Xuất hiện nốt sần lớn ở dưới bề mặt da, rắn và gây đau.
  • Mụn đầy mủ xuất hiện bên dưới bề mặt da (tổn thương nang).

2. Phân loại mụn trứng cá:

  • Trứng cá thông thường (Acne vulgaris): thể phổ biến nhất, thương tổn là các nhân mở hoặc kín, sẩn mủ, nang viêm, khu trú ở vùng da mỡ như mặt, lưng, ngực.
  • Trứng cá bọc, đây là thể nặng của bệnh, thương tổn thường là nang, áp xe chứa nhiều mủ, đau.
  • Trứng cá tối cấp: Các thương tổn xuất hiện cấp tính, vỡ, loét rất đau, sốt cao.
  • Trứng cá sẹo lồi: các thương tổn thường khu trú ở vùng lưng, ngực, tiến triển dai dẳng, xơ hoá và phát triển thành sẹo, lan ra xung quanh.
  • Trứng cá do mỹ phẩm: thường gặp ở người hay lạm dụng các loại mỹ phẩm không thích hợp. Thường ở mức độ nhẹ và bệnh nhân thường không có biểu hiện trứng cá từ trước. Trứng cá mỹ phẩm có thể điều trị khỏi hoàn toàn khi loại bỏ các tác nhân và sử dụng thuốc bôi.
  • Trứng cá do yếu tố cơ học: các thương tổn thường xuất hiện sau tác động như nặn, bóp, cọ xát.
  • Trứng cá do nghề nghiệp: các công việc phải tiếp xúc lâu dài với các chất như dầu mỡ, bụi than… cũng tạo điều kiện xuất hiện mụn trứng cá.

3. Nguyên nhân gây ra mụn

Bốn yếu tố chính gây ra mụn, bao gồm:

  • Da quá nhiều dầu.
  • Tắc nghẽn lỗ chân lông.
  • Vi khuẩn.
  • Hormone hoạt động quá mạnh (androgen).

Mụn thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, lưng trên và vai vì những vùng da này có nhiều tuyến dầu nhất (bã nhờn). Các lỗ chân lông được kết nối với các tuyến bã nhờn.

4. Nên làm gì khi bị mụn?

Tùy vào nguyên nhân gây ra mụn cũng như mức độ nhiều hay ít để có các cách trị mụn hợp lý. Tuy nhiên phải luôn nhớ:

  • Dùng nước tẩy trang lau sạch các lớp phấn trang điểm trên mặt, rửa mặt sạch bằng sữa rửa mặt cho da mụn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng lúc thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Rửa mặt nhẹ nhàng, tránh cào gãi hay chà sát mạnh. Nên lựa chọn các loại rửa mặt (cleanser) phù hợp với làn da, chọn thương hiệu từ các hãng mỹ phẩm có uy tín, không nên dùng nhiều loại mỹ phẩm kết hợp vô tình làm tăng tình trạng và tăng tiết dầu bít tắc trên da.
  • Tuyệt đối không được tự ý nặn mụn. Vì nặn mụn có thể khiến mụn trứng cá bị viêm nhiễm nặng hơn, dễ lan sang chỗ khác do tay có vi khuẩn, sẽ tạo điều kiện lây lan. Điều này còn đồng nghĩa với việc gia tăng tỷ lệ biến chứng.
  • Nếu tình trạng mụn mọc quá nhiều, có thể sử dụng thuốc theo đơn. Không nên thay đổi thuốc bôi điều trị mụn thì mới thấy rõ được tác dụng. Do đó hãy kiên nhẫn với phác đồ điều trị theo bác sĩ của bạn.
  • Hạn chế ăn uống đồ ngọt, chứa nhiều tinh bột, chất kích thích, rượu bia. Trà sữa, bánh ngọt tuy ngon nhưng đường và bột trong các loại này không những làm tăng cân mà còn làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá.
  • Uống đủ 2,5lít nước/ ngày. Bổ sung đủ các chất dinh dưỡng như vitamin A,E,C trong rau củ giúp làm khỏe da.
  • Tạo đời sống tinh thần lành mạnh,tăng cường tập thể dục thể thao, ngủ đúng, đủ 7-8 tiếng/ngày, giảm thiểu stress và mất ngủ.
  • Bảo vệ da chống nắng: Hạn chế đi nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sẫm, bôi kem chống nắng bảo vệ làn da 3 lần/ ngày.
  • Nếu tình hình không cải thiện, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị.
Gọi ngay: 0965 023 363
SMS: 0965 023 363 Chat Zalo Chat qua Messenger